Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Lâm Tấn Lợi: Phá chỗ dựa lưng để buộc mình làm việc

Chủ nhật - 08/02/2015 20:29
Còn nhớ, nhiều năm trước, cú đột phá để bảo vệ thương hiệu của ông chủ Võng xếp Duy Lợi bằng 2 vụ thắng kiện ngoạn mục ở Mỹ và Nhật đã tạo ra một tiếng vang. Lúc đó, được hỏi, ông nói: “Họ kiện mình nhiều cái vô lý như việc độc quyền cá ba sa thì cớ gì mình không dám bảo vệ sở hữu sản phẩm của mình trên đất của họ”.
1. Nhắc lại câu chuyện này trong một dịp mới đây, ông Lợi nói rằng đó là những ngày khó khăn của ông. Nhà ở phải đi thuê, xưởng sản xuất cũng phải đi thuê, nhưng tinh thần của ông không hề nao núng khi quyết định đi kiện những người làm nhái sản phẩm của mình để bán ở nước ngoài.
Cầm xấp hồ sơ trong tay, ông gõ cửa Công ty luật Phạm và Liên Danh. Các luật sư như hiểu thấu tâm trạng của ông và vững tin vào phần thắng khi nghe ông trình bày. Vì vậy, họ đã dồn hết tâm lực cho hai vụ kiện này và chỉ cách nhau 1 năm trên đất Nhật và Mỹ, Võng xếp Duy Lợi liên tiếp thắng kiện.
“Là người thường xuyên nung nấu các ý tưởng sáng tạo để sản xuất các loại hàng gia dụng tiện ích cho người tiêu dùng, tôi rất ghét các cơ sở chuyên đi ăn cắp, làm nhái sản phẩm của người khác, không chỉ ở trong nước mà kể cả nước ngoài. Vì vậy đến nay, khi sáng tạo ra gần 20 sản phẩm tôi đều đi đăng ký độc quyền kiểu dáng”, ông Lợi nói.
Lâm Tấn Lợi - Phá chỗ dựa lưng để buộc mình làm việc
Ông Lâm Tấn Lợi - Ảnh: Diệp Đức Minh
Đến xưởng của Lâm Tấn Lợi, hồi ấy người ta thường thấy hình ảnh của một ông kỹ sư ăn mặc khá xuềnh xoàng, ngồi ở góc văn phòng với một mớ bản vẽ, các loại bút thước và một chiếc ghế không chỗ dựa lưng. Không ai dám chắc đó là ông chủ Lâm Tấn Lợi, còn ông thì cười, nói giật cục: “Phá cái chỗ dựa lưng ghế để buộc mình phải làm việc, suy nghĩ tạo ra các mẫu sản phẩm mới. Với lại, đêm khuya khỏi phải dựa lưng ngủ quên”.

Phá cái chỗ dựa lưng ghế để buộc mình phải làm việc, suy nghĩ tạo ra các mẫu sản phẩm mới. Với lại, đêm khuya khỏi phải dựa lưng ngủ quên
Bây giờ thì ông đã có xưởng đàng hoàng, khang trang nhưng cũng phải thuê đất ở khu công nghiệp Tân Tạo. Còn nhớ lúc thuê được khu đất ưng ý để chuyển xưởng từ đường Phạm Thế Hiển (quận 8) về chỗ mới, Lâm Tấn Lợi như reo lên qua máy điện thoại: “Mình thuê đất được rồi, 50 năm. Đã có chỗ rộng rãi, thoáng mát hơn cho công nhân làm việc. Tin rằng công suất sẽ tăng lên”.
Ông Lợi rất kiệm lời, và thường khi cần nói, ông nói với tinh thần rất... phản biện. Ví như có buổi sáng sớm mới 6 giờ, ông điện thoại la lên: “Nè ông, sáng nay có tờ báo giật tin trang nhất viết là Bắt giữ một tên cướp bao vây nhà dân. Rồi ông cười, hỏi: một tên mà làm sao bao vây được ta (!)”. Lại mới đây, đọc báo thấy có cụm từ khá hài: Tình yêu thất lạc, ông điện thoại thắc mắc rằng “tình yêu thì làm sao mà thất lạc, có phải đồ vật đâu”.
2. Tôi biết ông đã hơn 10 năm, sau lần viết một bài từ thiện đăng trên báo Thanh Niên về trường hợp một gia đình khá đặc biệt ở Tánh Linh (Bình Thuận). Gia đình này có 5 người con, nhưng cứ lớn lên đến tuổi thanh niên là lần lượt bị bại liệt rồi mất, mà không rõ nguyên do, không bệnh viện nào xác định được đó là bệnh gì. Gia cảnh nghèo khổ, khốn khó của người mẹ góa phải chống chọi với thực tế khi từng người con lần lượt ra đi đã lay động tấm lòng của ông chủ Duy Lợi. Sau đó, nhiều chuyến cùng đi Tánh Linh với ông để cứu giúp người nghèo, nhưng không lần nào ông nói điều gì với tư cách của nhà tài trợ. Khi đề nghị ông nói đôi lời, ông cười: “Mình làm thì được, nói chơi chơi thì được nhưng phát biểu thì chịu. Thôi khỏi đi”.
Trên website của DNTN Duy Lợi, tôi tìm thấy một văn bản do Lâm Tấn Lợi ký gửi các công nhân của mình. Đó là văn bản kêu gọi mỗi người trích một ngày lương để hỗ trợ cho nạn nhân sóng thần Nhật Bản hồi tháng 3.2011.
“Mình làm từ thiện từ tiền túi thì mình quyết định, còn đây là trích lương của anh em công nhân, làm vậy để anh em thấy nghĩa cử của họ là rất đáng trân trọng”, ông chia sẻ.
Không chỉ vậy, mỗi khi nghe tin đồng bào mình ở nơi đâu gặp phải cảnh hoạn nạn khốn cùng, ông Lợi cũng là người tiên phong làm việc thiện. Và hình ảnh của ông có lẽ khi xuất hiện trên các báo, đài cũng chủ yếu là hình ảnh của một tấm lòng, một tình nghĩa sâu nặng với người cùng khổ.
Một người quen Lâm Tấn Lợi kể câu chuyện: Trong một dịp tình cờ cùng đi ăn sáng, ăn xong ông Lợi đi tìm mua báo. Chủ sạp báo kêu giá tờ báo 5.000 đồng. Vốn là người thường xuyên mua báo hằng ngày, ông biết là giá báo sau khi đã có lời, mỗi tờ chỉ 3.000 đồng. Vậy là ông không chịu mua và cho rằng bán như vậy là không đúng, chủ sạp báo rất bực bội, xì xào. Nhưng vừa quay lại, thấy một bà cụ ăn xin chìa bàn tay trước mặt, ông liền rút 50.000 đồng ra cho, ngay trước mặt chủ sạp báo, rồi bỏ đi.
Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Cập nhật Chương trình “Tết vì người nghèo Xuân Quý Tỵ năm 2013”


Chủ nhật - 08/02/2015 20:29
 
 
 
Danh sách các đơn vị ủng hộ chương trình “Tết vì người nghèo Xuân Quý Tỵ năm 2013”:


1. Doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi và gia đình: 467.110.000 đồng.
2. Công ty cổ phần Tân Việt Bắc: 300 triệu đồng.
3. Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank): 200 triệu đồng.
4. Ngân hàng CP Thương mại và Công thương Việt Nam (Vietin Bank): 100 triệu đồng.
5. Công ty CP Linh Linh: 100 triệu đồng.
6. Công ty Thời trang và Xe đạp Martin 107: 50 triệu đồng.
7. Khách sạn Mường Thanh Thanh niên (Vinh, Nghệ An): 50 triệu đồng.
8. Khách sạn Mường Thanh (Điện Biên): 50 triệu đồng.
9. Tập đoàn Bảo Việt: 10 triệu đồng.
10. Công ty Quản lý bến xe Hà Nội: 10 triệu đồng

Xuân sớm về trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc - Lai Châu

Chủ nhật - 08/02/2015 20:31
Nụ cười rạng, quên đi cuộc sống vất vả, khó khăn ở phía trước, nuôi niềm tin về một tương lai tươi sáng, về một mùa xuân trọn niềm vui…hình ảnh ấy, tâm trạng ấy của bà con các dân tộc Dao, Mông, Thái… của huyện vùng cao cực Tây Tổ quốc - (Lai Châu) sau khi nhận quà xuân làm chúng tôi thật ấm lòng. Còn gì hạnh phúc hơn với những người làm Báo CAND, Doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi, Công an tỉnh Lai Châu khi đã thực hiện được một việc làm nhiều ý nghĩa.
"Cảm ơn Đảng, cảm ơn cán bộ Công an!"
Nếu ai đã một lần dừng chân nơi các bản làng Sìn Hồ - huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lai Châu với trên 20km đường biên cũng đều thấy ở đây những điều lạ lẫm, ngạc nhiên. Lạ lẫm, ngạc nhiên cả về con người lẫn vẻ đẹp của thiên nhiên được tạo hóa ban tặng. Dọc trên cung đường ngoằn ngoèo "vắt chéo" nơi các quả núi, đâu đâu cũng xuất hiện hình ảnh bà con người Dao, người Mông, người Thái… cần mẫn "đối chọi" với sự khắc nghiệt của tiết trời vốn quanh năm khắc nghiệt.
Ở các chòm bản của xã Tả Phìn, Phăng Sô Lin, Nậm Hăn, Pu Sam Cáp… cũng vậy, dù trước mắt điều kiện kinh tế còn khó khăn bộn bề, thế nhưng bà con nơi đây vẫn nghị lực từng bước vượt qua. Giáp trưa 18/12, mất hơn 4 giờ đồng hồ từ thị xã Lai Châu đến bản Gằng Lân (xã Tả Phìn - huyện Sìn Hồ) để trao những món quà xuân ấm áp, sâu lắng nghĩa tình do Doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi gửi tặng, chúng tôi thêm gắn kết hơn với bà con, mảnh đất vùng biên Sìn Hồ nơi đây. Tình người thực sự thăng hoa, choán hết những khó khăn, bĩ cực.
Được cán bộ Công an xã thông báo có đoàn công tác của Báo CAND, Doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi, Công an tỉnh Lai Châu đến thăm hỏi, tặng quà Tết, từ 5h, chị Tẩn Lai Mìn, 42 tuổi, người Dao, nhà ở mãi bản Hoàng Hồ, xã Phăng Sô Lin (Sìn Hồ) lục tục dậy rồi vượt hơn hai ngọn đồi dựng vách để đến điểm nhận quà. Ngay từ sáng sớm, hai vợ chồng chị bảo nhau, người lên nương, người sang Tả Phìn nhận quà. Và chị Mìn đi nhận quà. "Mình vui lắm, mình thích quà lắm. Tết này mình có thêm chăn ấm, tiền mua gà rồi đấy cán bộ ạ", tay phải xách chăn, tay trái xách túi quà, chị Mìn nán lại bảo vậy.
Việc đi bộ gần ba tiếng đồng hồ, có mặt từ sáng sớm tại bản Gằng Lân của chị Mìn đã khiến các thành viên trong Đoàn công tác thật xúc động. Vậy là những món quà xuân gắn chặt thêm tình người nơi vùng biên. Con người xích thêm gần với nhau. Cũng ở đây, chúng tôi đi từ ngạc nhiên, mừng vui này đến mừng vui khác. Bởi trong số hàng chục hộ gia đình của các bản làng giáp xã Tả Phìn đến nhận quà xuân hôm nay còn có những anh, những chị đến từ đêm hôm trước - đêm 17/12.
Anh Sùng A Sinh, 25 tuổi, kể lại rằng, do nhà ở mãi tận bản Nậm Lúc, nằm cách xã Tả Phìn 60 cây số, nên anh đến ở nhờ nhà một người quen tại thị trấn Sìn Hồ từ tối 17/12. Chờ khi mặt trời ló sau dãy núi Phăng Sô Lin, vai khoác theo chiếc túi len, anh tức tốc lên bản Gằng Lân. "Cảm ơn Đảng, cảm ơn cán bộ. Mùa đông… không… không lạnh nữa đâu. Tết.. Tết ấm... rồi. Có chăn, có quà mà", anh Sinh giọng người Mông ấp úng.

Đồng chí Nghiêm Xuân Luận, Phó trưởng Ban Pháp luật - Ban đọc, Báo CAND và đại diện Công an tỉnh Lai Châu trao qùa Tết cho đồng bào huyện Sìn Hồ.
Tình người nơi vùng biên
Không phải đây là chuyến đi đầu tiên của chúng tôi tới mảnh đất Tây Bắc vốn kỳ vĩ về cảnh thắng, khắc nghiệt về thiên nhiên, khó khăn về cuộc sống để trao quà. Với những người làm Báo CAND, việc phát huy truyền thống "lá lành đùm lá rách", thắp lên ngọn lửa về tinh thần tương thân tương ái là việc làm thường xuyên. Đặc biệt, mỗi dịp Xuân về, Đoàn công tác Xã hội - Từ thiện, Báo CAND cùng các nhà hảo tâm, đơn vị tài trợ lại lên đường, đến những vùng, mảnh đời bất hạnh có hoàn cảnh éo le trên mọi miền Tổ quốc. Và Tây Bắc cũng không ngoại lệ. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", những món quà xuân tuy không có giá trị lớn về vật chất nhưng cũng phần nào tiếp thêm nghị lực tinh thần, để bà con thấy ấm lòng, vươn lên cơn bĩ cực trước mắt. Ấy là sợi dây tình người.
Hôm nay, sân trước nhà ông Chẻo Kin Lùn, ở bản Gằng Lân đông vui và rộn ràng lạ thường. Và cũng ở đây, thông qua lời phiên dịch của Đại úy Hoàng Công Cường - Đội trưởng Đội An ninh (Công An huyện Sìn Hồ), chúng tôi thêm hiểu thế nào là "tình người nơi vùng biên".
Chị Tẩn Mí Lún, 35 tuổi, lưng ẵm cậu con trai 6 tháng tuổi, đôi mắt ngấn lệ vì xúc động. Chị bảo với Đại úy Nghiêm Xuân Luận - Phó trưởng Ban Pháp luật - Bạn đọc, Báo CAND, Trưởng đoàn công tác rằng, nhà nghèo, chồng mất để lại cho chị 3 người con. Sáng lên nương, chiều về chăm con. Khó khăn lắm. Vất vả lắm. Có hôm, gió men theo các vạt rừng bất chợt ập tới trong đêm. Những lúc như vậy, chị chỉ biết gồng mình mà ôm con thôi. "Hôm nay, nhận được chăn ấm, bánh kẹo và tiền, mình vui lắm. Chúng nó (3 con của chị - PV) không sợ lạnh nữa rồi!", chị nựng đứa con nhỏ đang chực khóc trên lưng, nói thêm.
Trong số 50 suất quà gửi tặng cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở huyện biên giới Sìn Hồ trong chương trình "Tết vì người nghèo Quý Tỵ 2013" của Báo CAND lần này, có không ít phần quà gửi tặng cho bà con người Mông, người Thái, người Dao… ở các bản làng xa xôi, giáp biên nằm cách trung tâm huyện tới cả trăm kilomet đường đèo, cả ngày đường đi bộ như các bản ở Pa Tần, Nậm Ban, Nậm Cuổi, Nậm Hăn (Sìn Hồ)…
Cũng chính từ thời khắc trao quà này, nhìn bước chân chậm rãi, sự hoan hỉ trên nét mặt bà con khi tay xách, nách mang những món quà xuân, đã một lần nữa khẳng định rằng, sẽ không có khó khăn, cản trở nào có thể ngăn nổi tình quân dân, tình người keo sơn, đoàn kết dân tộc đã tồn tại từ ngàn đời nay. Và trên hết, sắc xuân đã lan tỏa sớm nơi các chòm bản cực Tây của Tổ quốc - Lai Châu.

Thông qua Báo CAND, Doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi tặng 200 suất quà cho đồng bào nghèo tỉnh Lai Châu, Sơn La. Mỗi tỉnh 100 suất, mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng; Khách sạn Mường Thanh Điện Biên Phủ tặng 100 suất quà, mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng cho đồng bào nghèo tỉnh Điện Biên

Đại tá Vừ A Chía - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu: Những món quà xuân thật lắng đọng nghĩa tình
Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc cũng như toàn thể CBCS Công an tỉnh Lai Châu và bà con các dân tộc sinh sống ở Lai Châu, cảm ơn Báo CAND! Cảm ơn Doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi. Những người bạn luôn đồng hành, nhiều năm qua đã sẻ chia với cuộc sống cán bộ chiến sĩ, bà con các dân tộc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở tỉnh. Sự động viên kịp thời ấy càng làm cho CBCS cũng như người dân nỗ lực hơn, có thêm niềm tin, nghị lực để vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Xuân đã luôn về sớm nơi các bản làng. Nghĩa tình - hai chữ ấy lắng đọng lắm ấy. Cũng trong những ngày tới, 30 suất quà còn lại sẽ tiếp tục được chuyển tới tận tay đồng bào nghèo tại Tân Uyên, Than Uyên.

Tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách ở xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy (Tiền Giang)


Chủ nhật - 08/02/2015 20:31
 
 
 
Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” nhằm giúp đỡ gia đình chính sách có một mái nhà ấm cúng, chuẩn bị đón năm mới 2013, ngày 18/12, Báo CAND, doanh nghiệp tư nhân võng xếp Duy Lợi và UBND huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đã tổ chức tặng nhà tình nghĩa cho bà Nguyễn Thị Việt, 60 tuổi ngụ ấp 2, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy.
 
Được biết, bà Việt hiện đang thờ cúng 3 liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gồm: chú ruột Nguyễn Văn Một và hai anh trai là Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Lưu. 
Căn nhà của bà Nguyễn Thị Việt có diện tích 82m2,  được xây dựng bằng tường gạch, mái lợp tôn, nền xi măng. Số tiền xây dựng căn nhà trên hết 45 triệu đồng; trong đó ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân võng xếp Duy Lợi thông qua Báo CAND ủng hộ 30 triệu đồng, số tiền còn lại do gia đình bà Việt đóng góp. Việc tặng nhà tình nghĩa cho bà Nguyễn Thị Việt là nằm trong các hoạt động xã hội, từ thiện của Báo CAND và doanh nghiệp tư nhân võng xếp Duy Lợi nhằm chia sẻ khó khăn về chỗ ở của các gia đình chính sách, gia đình nghèo.

Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng Biên tập Báo CAND và ông Lâm Tấn Lợi trao tặng nhà tình nghĩa cho bà Nguyễn Thị Việt.
Hoàn cảnh gia đình bà Việt thật đặc biệt, bà nội của bà Việt (bà Trương Thị Biểu) là Mẹ Việt Nam Anh hùng do có chồng và hai con trai hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Riêng ông Nguyễn Thanh Tùng (SN 1921 – cha bà Việt) là cán bộ tham gia trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau năm 1975, ông Tùng có thời gian làm Bí thư Đảng ủy Khối Dân chính Đảng (thuộc Thành ủy TP Hồ Chí Minh) và được cấp một căn nhà khang trang ở quận 3 (TP Hồ Chí Minh). Do vợ con sống ở quê nhà, ông Tùng nhường tầng trệt rộng rãi, thuận lợi cho một gia đình cán bộ cấp dưới có đông con sinh sống. Khi được nghỉ hưu, ông Tùng trả căn nhà trên lại cho Nhà nước, trở về quê nhà sinh sống cho đến khi mất. Còn mẹ bà Việt (bà Bùi Thị Mão) đang được đề nghị phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Sau khi nhận căn nhà, bà Việt bày tỏ lòng biết ơn Báo CAND, doanh nghiệp tư nhân võng xếp Duy Lợi đã đem đến niềm vui lớn cho gia đình, từ nay bà và con cháu được sống trong căn nhà khang trang, cao ráo, không còn phải lo lắng mỗi khi mùa mưa về. Với sự giúp đỡ đó, bà sẽ cùng con cháu phấn đấu làm ăn để kinh tế phát triển, chăm lo cho cháu học hành đến nơi đến chốn có ích cho gia đình và xã hội, mọi người trong gia đình chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương
Theo cand.com.vn

Chăm lo Tết cho người nghèo: Công ty Võng xếp Duy Lợi ủng hộ 50 triệu đồng

Chủ nhật - 08/02/2015 20:32
PN - Ngày 12/12, ông Lâm Tấn Lợi - Giám đốc Công ty Võng xếp Duy Lợi đã đến Báo Phụ Nữ trao 50 triệu đồng (ảnh) cho chương trình chăm lo Tết cổ truyền cho phụ nữ nghèo, nữ công nhân không có điều kiện về quê ăn Tết.
“Đây là món quà nhỏ chúng tôi muốn được gửi đến những hoàn cảnh khó khăn, chưa được may mắn trong cuộc sống” - ông Lợi bày tỏ. Từ nhiều năm nay, ông Lâm Tấn Lợi  Giám đốc Công ty Võng xếp D uy Lợi đã có nhiều đóng góp vào các hoạt động xã hội - từ thiện của Báo như: xây nhà tình thương; tặng học bổng cho nữ sinh hiếu học, vượt khó; tặng quà cho trẻ em nhân dịp Tết thiếu nhi; tặng quà gia đình chính sách, neo đơn… Ông cho biết, sẽ tiếp tục đồng hành cùng Báo Phụ Nữ trong các chương trình từ thiện.
Cùng ngày, Báo Phụ Nữ đã nhận 200 phần quà của Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) đóng góp cho chương trình.
Để tiếp tục chia sẻ những khó khăn, giúp các hộ nghèo, nữ công nhân không có điều kiện về quê sum họp cùng gia đình nhân dịp đón Xuân Quý Tỵ, Báo Phụ Nữ sẽ tổ chức chương trình tặng quà Tết (trị giá 400.000đ/phần) cho 2.000 đối tượng nêu trên tại các địa phương còn nhiều khó khăn như: Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi… Ban Biên tập Báo Phụ Nữ rất mong nhận được sự ủng hộ của quý công ty, quý bạn đọc.
Mọi đóng góp (tiền, quà) xin gửi về:
Báo Phụ Nữ TP.HCM: 311 Điện Biên Phủ, P.4, Q.3 (tại tòa soạn hoặc qua đường bưu điện), ĐT: 08.39316629.
Tài khoản từ thiện: Báo Phụ Nữ TP.HCM 007.100.1049165 - Ngân hàng Ngoại thương VN - Chi nhánh TP.HCM.
Trân trọng cảm ơn!
Theo phunuonline.com.vn

Cập nhật về Chương trình “Tết vì người nghèo Xuân Quý Tỵ năm 2013”


Chủ nhật - 08/02/2015 20:32
 
 
 
Danh sách các đơn vị ủng hộ chương trình “Tết vì người nghèo Xuân Quý Tỵ năm 2013”:
 
1. Doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi và gia đình: 407.110.000 đồng.
2. Công ty cổ phần Tân Việt Bắc: 300 triệu đồng.
3. Ngân hàng CP Thương mại và Công thương Việt Nam (Vietin Bank): 100 triệu đồng.
4. Công ty CP Linh Linh: 100 triệu đồng.
5. Công ty Thời trang và Xe đạp Martin 107: 50 triệu đồng.
6. Khách sạn Mường Thanh Thanh niên (Vinh, Nghệ An): 50 triệu đồng.
7. Khách sạn Mường Thanh (Điện Biên): 50 triệu đồng.
8. Tập đoàn Bảo Việt: 10 triệu đồng.
9. Công ty quản lý bến xe Hà Nội: 10 triệu đồng